Diễn biến chính trị - quân sự có liên quan Chiến_dịch_tấn_công_chiến_lược_Iaşi-Chişinău

Chính phủ Romania thân Đức sụp đổ

Vua Mihai I của Romania, người được coi là "kiến trúc sư" của cuộc đảo chính lậi đỏ chính phủ Ion Atonescu ngày 23 tháng 8 năm 1944

Thất bại của liên quân Đức Quốc xã - Romania trên chiến trường Iaşi-Chişinău cuối tháng 8 năm 1944 là tiền đề của sự rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ đồng minh phe Trục giữa Đức Quốc xã và Romania. Berlin và Bucharest đã đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân dẫn đến thảm họa của Cụm tập đoàn quân Nam Ukraina, được cấu tạo chủ yếu bằng các sư đoàn Đức Quốc xã và Romania. Tướng Johannes Frießner, tư lệnh cụm tập đoàn quân này cho rằng vì các sư đoàn bộ binh Romania 4, 11 và 21 bỏ chiến hào chạy trốn trước các đòn tấn công của quân đội Liên Xô ngay từ những giờ chiến đấu đầu tiên nên phòng tuyến của các sư đoàn bộ binh 9, 79, 306 và 376 (Đức) bị hở sườn, không thể chống đỡ được đòn đột kích của 3 quân đoàn xe tăng và 1 quân đoàn cơ giới Liên Xô.[40] Tướng Heinz Guderian, Tổng thanh tra các lực lượng tăng - thiết giáp của quân đội Đức Quốc xã xác nhận:

Ngày 20 tháng 8 năm 1944, quân Nga bắt đầu tấn công phòng tuyến của "Cụm tập đoàn quân Nam Ukraina" và họ đã đạt được những thành công lớn. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Đối phương đã biến các đơn vị Romania thành vũ khí để chống lại đối thủ của họ, tức là chúng ta. Các chỉ huy Đức và binh sĩ Đức đã không lường trước được sự phản bội đó. Mặc dù Hitler cho phép rút quân ngay lập tức nhưng trước đó, quân đội Romania lại chính là những người đã bỏ chạy trước tiên trong khi quân đội của chúng ta cố chống giữ chiến tuyến và rút lui từ từ. Để tránh một thất bại toàn diện và sự diệt vong, đáng lẽ phải giữ các cây cầu lại nhưng những người Romania ích kỷ sau khi bỏ chạy qua đó đã phá hủy chúng, đẩy quân Đức rơi vào vòng vây của quân Nga. Chúng ta đã mất tất cả 16 sư đoàn Đức. Đó là một tổn thất không thể bù đắp được đối với chúng ta trong tình hình vốn đã rất khó khăn
— Heinz Guderian.[50]
Ion Antonescu (người giơ tay chào) cùng với Adolf Hitler, Ribbentrop và Keitel tại Munich, ngày 10 tháng 6 năm 1941

Đến lượt mình, người Romania đổ tội cho quân Đức rằng họ đã có kế hoạch rút lui một cách bí mật khỏi Chişinău mà không báo cho các đơn vị Romania biết nên đã "bỏ rơi" họ để họ ở lại một mình "chịu trận" với xe tăng, pháo binh và không quân Nga, khiến cho 130.000 sĩ quan và binh sĩ Romania bị quân đội Liên Xô bắt làm tù binh.[51] Trong khi người Đức rút lui thì họ lại buộc người Romania phải chiến đấu với binh lực yếu hơn nhiều lần để ngăn chặn đường tấn công của xe tăng Liên Xô. Kết quả là sư đoàn xe tăng "Đại Romania", quả đấm xung kích mạnh của quân đội Romania đã thiệt hại nặng nề làm cho quân đội Romania không còn trông cậy vào nó được nữa.[52]

Trong khi các giới chức quân sự Đức Quốc xã và Romania đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân thất bại trên chiến trường thì đêm 21 rạng ngày 22 tháng 8, Vua Romania Mihai I đã có cuộc họp bí mật với lãnh tụ các chính đảng trong khối dân tộc-dân chủ Romania gồm Đảng cộng sản, Đảng xã hội dân chủ, Đảng dân tộc nông dân và Đảng dân tộc tự do. Thủ tướng Romania thân Đức Ion Antonescu không được mời tham dự. Tại cuộc họp, Vua Mihai I đề nghị các đại biểu thảo luận về việc thay thế chính phủ của Ion Antonescu bằng một thủ tướng khác có khả năng đàm phán với Liên Xô để đưa Romania ra khỏi chiến tranh. Nhà vua cũng cho biết, sĩ quan tùy tùng của mình là đại tá Eminiu Ionescu đã vạch kế hoạch bắt giữ Ion Antonescu từ tháng 4 năm 1944 nhưng vì lúc đó, tình hình chưa thuận lợi nên chưa thể thực hiện được. Các đại biểu của Đảng Cộng sản Romania không chỉ đồng ý với việc bắt giữ bắt giữ Ion Antonescu mà họ còn đi xa hơn với mục tiêu phải lật đổ chính phủ thân Đức do Ion Antonescu đứng đầu, bắt giữ ông ta và các bộ trưởng thân Đức, lập ra một chính phủ liên hiệp giữa các đảng khối dân tộc dân chủ (không kể cánh tả hay cánh hữu) để tuyến bố rút khỏi chiến tranh và thương lượng với Liên Xô. Vua Mihai I và các đại biểu đều nhất trí với mục tiêu này và họ bắt đầu lên kế hoạch khởi nghĩa.[53][54]

Emin Bodnăraş, lãnh tụ Đảng Cộng sản Romania, một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tháng 8 năm 1944

Ngay trong đêm 21 rạng ngày 22 tháng 8, những đại biểu dự họp đã bầu ra Ủy ban khởi nghĩa do bốn thành viên của 4 đảng làm đồng chủ tịch. Mỗi đảng đều "góp quân" cho cuộc khởi nghĩa. Trong đó, Đảng Cộng sản đóng góp khoảng 50 trung đội với 2.000 quân. Tổng số quân khởi nghĩa ước tính khoảng 8.000 người. Hai đội quân được chuẩn bị để bắt giữ Ion Antonescu. Đội thứ nhất gồm các tay súng trong lực lượng kháng chiến Romania hoạt động bí mật. Đội thứ hai gồm các binh sĩ Romania trong tiểu đoàn bảo vệ hoàng cung. Trong trường hợp đội thứ nhất không vào được hoàng cung, đội thứ hai sẽ thực thi nhiệm vụ. Chiều 23 tháng 8, Ion Antonescu đề nghị được yết kiến vua Mihai I vào lúc 16 giờ. Đương nhiên là Vua Mihai I đồng ý triệu kiến. Ngay sau khi báo cáo xong tinh hình chiến sự, Ion Antonescu và Mihai Antonescu (Bộ trưởng ngoại giao) bị bắt giữ theo phương án 2. Đội cảnh vệ của ông ta cũng bị tước vũ khí. Ngay buổi tối hôm đó, các bộ trưởng thân Đức trong chính phủ của Antonescu đều bị bắt. Cuộc đảo chính của Vua Mihai I của Romania đã thành công mà không diễn ra đổ máu. Manfred von Killinger, đại sứ Đức tại Bucharest chỉ biết về cuộc đảo chính đã diễn ra vào sáng hôm sau.[55] Đồng thời với việc bắt giữ chính phủ Antonescu, các lực lượng yêu nước Romania đã phát động cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Emil Bodnăraş, một lãnh tụ của Đảng Cộng sản Romania.

22 giờ 15 phút tối 23 tháng 8 (theo giờ Đông Âu), Vua Romania Mihai I đã đến Đài phát thanh Bucharest đọc bản tuyên bố của Hoàng gia Romania, cam kết đình chỉ các hành động quân sự chống lại các nước Đồng minh chống phát xít, kêu gọi họ đàm phán để ký kết một hòa ước, lập lại hòa bình trên lãnh thổ Romania và cho biết sẽ thành lập một chính phủ mới. Mục tiêu trước mắt của chính phủ này là đình chiến với các nước đồng minh, rút khỏi khối liên minh phe Trục, khôi phục đất nước và đấu tranh để giải phóng miền Bắc Transilvania. Đáp lại bản tuyên bố này, ngày 25 tháng 8, Chính phủ Liên Xô ra tuyên bố khẳng định lại lập trường của Liên Xô trong Thông cáo báo chí ngày 12 tháng 4 năm 1944 của Bộ dân ủy Ngoại giao:

"Liên Xô không có ý định chiếm giữ bất kỳ phần lãnh thổ nào của Romania, không có ý định thay đổi chế độ chính trị xã hội hiện nay ở Romania và không thi hành bất kỳ một biện pháp nào gây ảnh hưởng đến nền độc lập của Romania. Ngược lại, Chính phủ Liên Xô xét thấy cần phải khôi phục lại nền độc lập của Romania và giải phóng Romania khỏi quân chiếm đóng Đức Quốc xã."
— Thay mặt chính phủ Liên Xô: V. M. Molotov.[56]
Tướng Constantin Sănătescu, thủ tướng Romania sau đảo chính

Ngày 24 tháng 8, đại sứ Đức tại Bucharest Manfred von Killinger xin yết kiến Vua Mihai I. Tại hoàng cung, Vua Mihai I cho biết chính phủ của Ion Antonescu đã chấm dứt hoạt động và đang bị giam giữ. Vua Mihai I yêu cầu rút các đơn vị quân đội Đức Quốc xã ra khỏi Romania và tuyên bố phía Romania sẽ không gây trở ngại cho cuộc rút quân này. Rời hoàng cung, Manfred von Killinger tuyên bố sẽ dìm cả nước Romania trong biển máu. Chiều các tướng lĩnh Đức Quốc xã cũng xin yết kiến Vua Mihai I và hứa sẽ rút các lực lượng Đức khỏi Bucharest. Tuy nhiên, đêm 24 tháng 8, Adolf Hitler ra lệnh cho tướng Alfred Gerstenberg, chỉ huy các lực lượng Đức Quốc xã ở Bucharest "phải dùng tất cả sức mạnh để trấn áp nhưng kẻ Romania "cứng đầu", phải bắt giữ ngay lập tức nhà vua Romania và phe nhóm của ông ta". Hitler sử dụng Horia Sima, nguyên là Phó thủ tướng của chính phủ Ion Antonescu, người đứng đầu phong trào "Mișcarea legionară" lập ra chính phủ lưu vong thân Đức tại Berlin. Những hành động đó của Hitler không khác gì việc nước Đức Quốc xã tuyên chiến với Romania.[40]

Ngày 25 tháng 8, không quân Đức huy động hàng chục phi đội cất cánh từ căn cứ không quân Baneaşa đến ném bom bắn phá Bucharest, trong đó có cả hoàng cung và tòa nhà trụ sở chính phủ Romania. Tuy nhiên, nhà vua Mihai I và hoàng thái hậu Elena đã được những người cộng sản Romania đưa đến một nơi ở bí mật an toàn cách xa Bucharest và làm việc bình thường ở đó từ đêm 24 tháng 8.[57] Trước tình hình nghiêm trọng, ngày 25 tháng 8, nhà vua Mihai I đã đồng ý với đề nghị của những người cộng sản Romania phát động cuộc đấu tranh vũ trang chống lại quân đội Đức Quốc xã, kêu gọi quân đội Romania hãy rút về bảo vệ thủ đô và đấu tranh chống nước Đức Quốc xã.[56] Lúc này, đại bộ phận quân đội Đức Quốc xã đang tập trung tại mặt trận Moldavia, chỉ để 11 nghìn quân tại vùng phụ cận của thủ đô Bucharest và 25 nghìn quân khác ở khu công nghiệp dầu lửa Ploieşti. Tướng Alfred Gerstenberg tuyên bố rằng ông ta chỉ cần vài khẩu đội pháo phòng không và chục khẩu súng máy là có thể dẹp tan được cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên, quân khởi nghĩa đã chống cự với sức mạnh của hơn 10.000 người cùng với hai sư đoàn cảnh vệ Romania tại Bucharest đã buộc tướng Alfred Gerstenberg phải cầu xin viện binh từ Tập đoàn quân 8 (Đức). Ba sư đoàn Đức do tướng SS Horst Hoffmeyer chỉ huy được điều về Bucharest nhằm dập tắt cuộc đảo chính nhưng đã bị quân khởi nghĩa Romania đánh lui tại "Công viên Ái quốc". Các lực lượng Đức tăng viện cho cuộc tấn công Bucharest đều bị Hồng quân cắt đứt, bao vây và tiêu diệt nhanh chóng. Đêm 25 tháng 8, quân đội Liên Xô và quân đội Romania chiếm sân bay Otopeni. Cùng lúc đó, quân đội Đức Quốc xã đang bao vây Ploieşti cũng bị quân đội Liên Xô và quân đội Romania hiệp đồng tấn công, buộc phải tháo chạy về Hungary với những tổn thất rất nặng nề. Quân Romania bắt được đến 5 vạn tù binh Đức và sau đó giao nộp số tù binh này cho Quân đội Liên Xô, trong đó có trung tướng Rainer Stahel, người đã chỉ huy quân đội Đức phòng thủ tại Vilnius hồi tháng 7 năm 1944.[58] Ngày 29 tháng 8, các lực lượng Đức Quốc xã buộc phải rút lui khỏi Bucharest.

Các tài liệu Romania cho rằng chính những yếu tố nội tại của Romania đã đóng vai trò quyết định trong việc giải phóng họ khỏi ách thống trị của phát xít Đức, điều này trái ngược với những kiến giải của Liên Xô khi họ cho rằng thành công của chiến dịch Iaşi-Chişinău đã thúc đẩy cuộc đảo chính ở Romania và Hồng quân đã giải phóng đất nước này dưới sự giúp đỡ của nhân dân địa phương.[20][59] Còn trong tác phẩm của mình, S. M. Stemenko cho rằng, cuộc khởi nghĩa Bucharest năm 1944 thành công do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là đòn tấn công của quân đội Liên Xô đã làm sụp đổ Cụm tập đoàn quân Nam (Đức), làm cho các lực lượng Romania thân Đức mất chỗ dựa về chính trị, quân sự và ngoại giao và sự khinh suất của Ion Antonescu cũng như bộ máy chính phủ thân Đức của ông ta. Về chủ quan, đó là tinh thần yêu nước của người dân Romania, trong đó phải kể đến vai trò chủ động của Vua Mihai I, sự đoàn kết của các lực lượng chống phát xít ở Romania bao gồm những người cộng sản, những đảng phái chính trị cánh tả và cánh hữu, sự tổ chức chu đáo, chặt chẽ của những người khởi nghĩa. Trong khi quân đội Liên Xô chưa đến được Bucharest, chính những người khởi nghĩa chứ không phải quân đội Romania đã tổ chức chiến đấu chống lại quân đội Đức để bảo vệ thành quả của cuộc khởi nghĩa.[60]

Quân đội Romania gia nhập phe đồng minh chống phát xít

Trong bản tuyên bố ngày 25 tháng 8 năm 1944, Chính phủ Liên Xô nêu rõ:

"Hồng quân Liên Xô sẽ không tước vũ khí của quân đội Romania. Không những Hồng quân kêu gọi họ ngừng bắn mà còn giúp họ bảo toàn các vũ khí, trang bị để cùng với Hồng quân tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng chống lại bè lũ Hitler, giành đọc lập cho đất nước mình và chống lại bọn chư hầu thân Đức ở Hungary để giải phóng vùng Transilvania.Hồng quân chỉ có thể ngừng các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Romania sau khi đã tiêu diệt được các đơn vị Đức Quốc xã, những kẻ đang áp bức và bóc lột người dân Romania. Sự giúp đỡ của quân đội Romania tại đây có thể tạo điều kiện để sớm chấm dứt chiến sự trên lãnh thổ Romania để Liên Xô và Romania sẽ sớm ký kết hiệp định đình chiến"
— Thay mặt Chính phủ Liên Xô - Dân ủy Ngoại giao V. M. Molotov.[56]
Sư đoàn bộ binh tình nguyện số 1 Romania mang tên Tudor Vladimirescu trở về chiến đấu cho tổ quốc Romania, tháng 8 năm 1944

Ngày 28 tháng 8, Chính phủ mới của Romania do tướng Constantin Sănătescu làm thủ tướng đã tuyên chiến với nước Đức Quốc xã và đề nghị ký kết ngay hiệp định đình chiến với Liên Xô. Ngày 29 tháng 8, hiệp định đình chiến được hai bên ký kết kèm theo điều khoản về việc chính phủ Romania đồng ý cho quân đội Liên Xô sử dụng lãnh thổ, phương tiện giao thông liên lạc, hệ thống đường sắt, đường bộ, đường sông, các hải cảng và cơ sở hạ tầng để triển khai quân đội tiến hành chiến tranh chống lại nước Đức Quốc xã. Quân đội Romania sẽ tham gia chiến đấu bên cạnh quân đội Liên Xô chống lại quân đội Đức Quốc xã. Về hình thức pháp lý thì từ ngày này, quân đội Romania trở thành quân của phe Đồng Minh nói chung và là đồng minh của quân đội Liên Xô nói riêng.[61]

Trong quân đội của nước Romania mới, Sư đoàn bộ binh tình nguyện Tudor Vladimirescu được coi là nòng cốt cả về quân sự và chính trị. Sư đoàn được thành lập ngày 4 tháng 10 năm 1943 tại Riazan (Liên Xô). Quân số ban đầu gồm hơn 5.000 người đều là tù binh Romania bị bắt trong Chiến dịch Stalingrad và một số chiến dịch khác. Họ đã có đơn đề nghị chính phủ Liên Xô tạo điều kiện cho họ được tình nguyện chiến đấu bên cạnh Hồng quân Liên Xô để giải phóng đất nước họ khỏi chế độ chiếm đóng Đức Quốc xã. Chỉ huy sư đoàn là đại tá Nicolae Cambrea (nguyên chỉ huy Sư đoàn 5 Romania, bị bắt trong Chiến dịch Stalingrad), tham mưu trưởng là trung tá Iacob Teclu. Trong sư đoàn có 159 huấn luyện viên là sĩ quan quân đội Liên Xô do đại tá G. M. Yeremin, đại diện Bộ Tổng tham mưu Liên Xô đứng đầu. Tháng 8 năm 1944, sư đoàn tham gia chiến dịch Iaşi-Chişinău trong đội hình Phương diện quân Ukraina 2 với quân số 9.500 người, được trang bị 98 pháo, 160 súng cối, 110 đại liên và gần 500 trung liên. Đây là sư đoàn đầu tiên của quân đội Romania mới tiến vào Bucharest ngày 31 tháng 8 năm 1944.[62]

Cũng theo hiệp định đình chiến Liên Xô - Romania ký ngày 29 tháng 8, Quân đội Romania sẽ điều động hai tập đoàn quân chiến đấu chống quân đội Đức Quốc xã bên cạnh quân đội Liên Xô ở mặt trận phía Đông (Romania gọi là mặt trận phía Tây). Từ ngày 31 tháng 8, Tập đoàn quân 4 Romania do tướng Gheorghe Avramescu chỉ huy bắt đầu tham gia chiến đấu trong đội hình Phương diện quân Ukraina 2 và phối hợp tác chiến chiến dịch với Tập đoàn quân 27 (Liên Xô). Tập đoàn quân gồm các sư đoàn bộ binh 3, 6, 9, 11, 18 và 21, các sư đoàn kỵ binh 1 và 8, cùng các trung đoàn xe tăng, pháo binh, súng cối và các phương tiện tăng cường; được biên chế thành các quân đoàn bộ binh 2 và 6. Tổng quân số của tập đoàn quân 4 Romania có 198.385 sĩ quan và binh sĩ. Tập đoàn quân 1 Romania do tướng Vasile Atanasiu chỉ huy nằm trong đội hình Phương diện quân Ukraina 2 và trực tiếp phối hợp tác chiến với Tập đoàn quân 53. Tập đoàn quân 1 Romania gồm Quân đoàn bộ binh 4 (các sư đoàn bộ binh 2, 4), Quân đoàn bộ binh 7 (các sư đoàn bộ binh 9, 19), Sư đoàn kỵ binh 9 cùng các trung đoàn xe tăng, pháo binh, súng cối và các đơn vị kỹ thuật. Không quân Romania chiến đấu bên cạnh không quân Liên Xô được đặt trong đội hình Tập đoàn quân không quân 5 (Liên Xô). Sư đoàn bộ binh tình nguyện số 1 Romania mang tên Tudor Vladimirescu vẫn là sư đoàn độc lập trực thuộc tư lệnh Phương diện quân Ukraina 2. Ngày 1 tháng 9, các tư lệnh quân đội Liên Xô và các tư lệnh quân đội Romania đã ký kết các quy định chung giữa hai bên về phối hợp tác chiến. STAVKA cũng lưu ý tư lệnh Phương diện quân Ukraina 2, nguyên soái R. Ya. Malinovsky cần căn cứ thực tế khả năng sẵn sàng chiến đấu của các tập đoàn quân Romania để giao các nhiệm vụ phù hợp với năng lực của họ.[63]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_tấn_công_chiến_lược_Iaşi-Chişinău http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944S/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944S/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944S/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944S/... http://books.google.com/books?id=dLsnAAAAMAAJ&q=%2... http://books.google.com/books?id=q2jOf2a3-5EC&pg=P... http://books.google.com/books?id=vHNpAAAAMAAJ&q=Ja... http://books.google.com/books?id=x9cmuEoLYIQC&pg=P... http://www.kulichki.com/moshkow/MEMUARY/1939-1945/... http://www.siebenbuerger.de/sbz/sbz/news/109316028...